Tìm mức giá hợp lý cho điện mặt trời mái nhà phát lên lưới quốc gia

Quá trình xây dựng Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất mức giá “0 đồng” cho phần điện dư thừa phát lên lưới điện quốc gia.

Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, phương án giá mua điện mới nhất mà Bộ Công Thương đề xuất là 671 đồng/kWh, với sản lượng mua không quá 10% tổng công suất. Vậy, đâu là mức giá hợp lý?

Khơi thông điểm nghẽn cho mô hình điện mặt trời mái nhàBộ Công Thương đề xuất ưu tiên khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tại hộ dân, công sở.

Khuyến khích phát triển nhưng thận trọng thu mua

Theo số liệu của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), đến thời điểm hiện tại, công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà đạt khoảng 7.660 MWAC. Nguồn điện này chiếm xấp xỉ 4% trong hệ thống điện quốc gia. Các chuyên gia đánh giá, việc phát triển điện mặt trời mái nhà đáp ứng nhu cầu điện sạch, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, nguồn điện này có những hạn chế là tính phân tán và thiếu ổn định.

Do đó, Cục Điều tiết điện lực nêu quan điểm cần phải thận trọng trong quá trình phát triển và nên dừng ở mức sẵn sàng tiêu thụ tại phụ tải. Nếu ồ ạt mở rộng ở quy mô lớn sẽ ảnh hưởng đến cân bằng cung – cầu của hệ thống điện, gây ra những phí tổn không cần thiết. Đối với nguồn điện mặt trời mái nhà có nối lưới, chỉ nên khuyến khích tự sản – tự tiêu và hạn chế phát vào hệ thống, bởi gây phát sinh chi phí cho hệ thống lưu trữ, truyền tải cũng như vận hành, bảo dưỡng.

Trên tinh thần đó, dự thảo lần 1 Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu do Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) chủ trì soạn thảo thể hiện quan điểm khuyến khích các tổ chức, cá nhân kết hợp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện, để chủ động trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt. Riêng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không nối lưới, Bộ Công Thương đề xuất “ưu tiên phát triển không giới hạn công suất”.

Tuy nhiên, chính sách “giá 0 đồng và không được thanh toán” với sản lượng điện mặt trời mái nhà dư thừa phát lên lưới điện quốc gia đã khiến dư luận băn khoăn. Nhiều chuyên gia cho rằng, các quy định này cần được nghiên cứu lại để khuyến khích người dân lắp đặt tự dùng và có thể bán được điện cho đơn vị điện lực với giá hợp lý, tránh dư thừa lãng phí.

Tại dự thảo nghị định trình trong tháng 6-2024 về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Bộ Công Thương tiếp tục giữ quan điểm chỉ khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, không bán cho tổ chức, cá nhân khác hay phát lên lưới điện.

Giá bán tạm đề xuất, được điều chỉnh theo năm

Về vấn đề này, ngày 10-7, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp về việc xây dựng nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Theo văn bản này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu thí điểm cho phép điện mặt trời mái nhà không dùng hết sẽ được bán lên lưới điện quốc gia với sản lượng không vượt quá 10% tổng công suất.

Thực hiện yêu cầu trên, tại báo cáo trình ngày 11-7, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 phương án giá mua bán điện mặt trời mái nhà. Phương án 1, giá mua điện dư thừa tính theo mức bình quân biểu chi phí tránh được hằng năm do Bộ Công Thương ban hành. Biểu phí tránh được là chi phí sản xuất 1kWh tính theo thời gian sử dụng trong ngày và các vùng, mùa trong năm, áp dụng cho các nhà máy điện nhỏ dùng năng lượng tái tạo chưa có giá riêng, như thủy điện nhỏ. Phương án 2 lấy bằng giá biên thị trường điện từng giờ (không gồm giá công suất thị trường) và trừ đi chi phí phân phối trên 1 kWh.

Đây là giá của tổ máy hay nhà máy cuối cùng tham gia phát điện vào hệ thống.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, hiện không có phương pháp nào phù hợp để xây dựng giá mua điện dư thừa nên không có đủ cơ sở lý luận để lấy giá mua điện dư phát lên lưới quốc gia theo phương án 1 hay 2. Căn cứ theo chi phí tránh được bình quân năm 2023, Bộ đề xuất tạm áp dụng giá mua điện dư phát lên lưới là 671 đồng/kWh. Mức này thấp hơn 58-63% giá mua của các dự án điện tái tạo chuyển tiếp (1.587 – 1.816 đồng/kWh). “Giá này có thể điều chỉnh hằng năm để phù hợp từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện. Phương án này đơn giản, dễ thực hiện và tiết kiệm chi phí đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”, báo cáo của Bộ Công Thương nêu.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm mua sản lượng điện dư và bảo đảm an toàn vận hành hệ thống điện quốc gia. Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, nghiên cứu các giải pháp, thiết kế điều kiện cần thiết để không xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nguồn lực xã hội.


Manfusi Solar – Dẫn đầu giải pháp đầu tư điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam
Facebookhttps://www.facebook.com/manfusisolar
Văn phòng đại diện: 148 Võ Chí Công, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội
Hotline/Zalo: 0976 368 148

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *