Trung Quốc rót vốn “ồ ạt” vào thị trường pin năng lượng mặt trời ở Việt Nam

Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến đầu tư mới và mở rộng về sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, tế bào quang điện, thanh silic… Trong làn sóng đầu tư này, phần lớn là đến từ Trung Quốc.

Dự báo giá sản phẩm này sẽ tiếp tục sụt giảm sâu khi thế giới đang thừa mứa tấm pin mặt trời do Trung Quốc sản xuất ồ ạt. Điều này đặt ra nhiều nỗi lo cho các quốc gia sản xuất nhiều sản phẩm này như Việt Nam trong bối cảnh các nước nhập khẩu sẽ bảo hộ sản xuất trong nước.

(Việt Nam thu hút nhiều đầu tư sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời từ Trung Quốc – Ảnh: Trina Solar)

Việt Nam hiện được đánh giá là quốc gia sản xuất sản lượng lớn tấm pin năng lượng mặt trời lớn ở trong khu vực và thế giới. “Thành tích” này được đóng góp bởi phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nhiều nhất là đầu tư từ Trung Quốc.

Đáng chú ý, kế hoạch đầu tư các dự án mới cũng như mở rộng công suất nhà máy ở Việt Nam của các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời từ Trung Quốc này còn tiếp diễn.

Đơn cử như Hainan Drinda sẽ xây nhà máy sản xuất pin mặt trời 450 triệu đô la Mỹ tại KCN Hoàng Mai II, tỉnh Nghệ An, và dự kiến hoàn thành vào quí 4 năm nay.

Hay hồi tháng 2, theo báo điện tử Thái Nguyên, một “ông lớn” khác của Trung Quốc là Công ty TNHH Trina Solar Cell thuộc Tập đoàn Trina Solar nhận chứng nhận đầu tư cho dự án mới nhằm sản xuất module và pin năng lượng mặt trời 454 triệu đô la ở Thái Nguyên.

Nhận câu hỏi KTSG Online về triển khai dự án mới này, bà Elva Wang, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Trina Solar Châu Á Thái Bình Dương, bỏ ngỏ câu trả lời. Dù vậy, theo bà, nhà máy 203 triệu đô la mà Trina Solar đưa vào hoạt động năm ngoái ở Thái Nguyên đang tăng tốc ổn định để đạt công suất tối đa: 6,5GW tấm bán dẫn, 4GW tế bào quang điện và 5GW mô-đun.

“So với lúc đưa vào hoạt động cách đây 8 tháng, nhà máy hiện tăng hơn gấp đôi lao động, đạt 1.500 công nhân. Đây là nhà máy lớn nhất của chúng tôi bên ngoài Trung Quốc với quy trình sản xuất tiên tiến, có giá trị cao như chuyển đổi các tấm bán dẫn thành tế bào quang điện cũng như lắp ráp mô-đun”, bà Elva Wang nói.

(Một nhà máy ở Việt Nam lắp pin năng lượng mặt trời của Trina Solar)

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, trong bối cảnh nhu cầu điện của cả nước tiếp tục tăng do tăng trưởng kinh tế. Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam đang hướng tới loại bỏ dần sản xuất điện than vào năm 2050 và tăng công suất lắp đặt điện mặt trời lên 34%, tăng từ 23% vào năm 2022.

Điều này cũng lý giải vì sao đầu tư FDI, nhất là các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời từ Trung Quốc tăng cường mở rộng công suất ở Việt Nam.

Trước đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện với tổng đầu tư 1,5 tỉ đô la cho công ty thực thuộc Jinko Solar. Đây là dự án thứ 3 tại Việt Nam của nhà sản xuất tấm pin năng lượng Trung Quốc này.

Nguồn: Net Zero


Manfusi Solar – Dẫn đầu giải pháp đầu tư điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam
Facebookhttps://www.facebook.com/manfusisolar
Văn phòng đại diện: 148 Võ Chí Công, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội
Hotline/Zalo: 0976 368 148

    NHẬN TƯ VẤN LẮP ĐẶT ĐIỆN NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI