Doanh nghiệp tìm giải pháp thích ứng với giá điện tăng

Giá điện đã được điều chỉnh tăng bình quân 3% từ ngày 4/5/2023, mặc dù mức tăng được cho là không lớn, nhưng đã và đang tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp đang nỗ lực áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện, tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh…

Những ngành chịu ảnh hưởng từ việc tăng giá điện

Đề cập đến việc tăng giá điện tác động ra sao đến hoạt động của doanh nghiệp (DN), ông Nguyễn Xuân Nam – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá điện tăng 10% sẽ tác động vào CPI là tăng 0,33%. Nếu giá điện tăng 5% sẽ kéo CPI tăng 0,17%. Hiện nay, mức tăng giá điện là 3% là mức thấp nhất trong biên độ được Chính phủ cho phép, tác động lên CPI sẽ rất nhỏ.

Nếu tính tác động tới giá thành các ngành sản xuất dùng nhiều điện như sản xuất thép, xi măng, giấy thì giá thành thép tăng khoảng 0,18%, xi măng tăng khoảng 0,45% và sản xuất giấy tăng khoảng 0,4%…

Theo EVN, với mức tăng 3%, đối với 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ, bình quân mỗi tháng khách hàng kinh doanh trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 141.000 đồng. Có 1,822 triệu hộ sản xuất, thì bình quân mỗi tháng mỗi hộ sản xuất trả tiền điện 10,6 triệu đồng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 307.000 đồng.

Ở góc độ DN, cảm nhận về áp lực của việc tăng giá điện, theo bà Tô Thanh Phương – Kế toán trưởng Nhà máy may Vinatex Bạc Liêu, nhiều DN sản xuất gặp khó khăn do chi phí, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng. Nay giá điện lại tăng khiến DN thêm khó.

Nhà máy may Vinatex Bạc Liêu là DN chuyên sản xuất và xuất khẩu quần áo sang thị trường châu Âu. Dây chuyền máy móc hoạt động 24/24 giờ, tiêu thụ lượng điện năng lớn nên việc tăng giá điện đã tạo thêm áp lực cho DN.

“Hiện nhà máy có 16 dây chuyền may, tất cả các công đoạn đều phải sử dụng điện. Mỗi tháng nhà máy chi trả tiền điện từ 180 – 190 triệu đồng. Từ đầu năm tới nay, tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn do đơn hàng xuất khẩu giảm, trong khi đó chi phí vận chuyển, chi phí sản xuất tăng, nguồn lao động cũng tăng thêm 200 lao động so với năm 2022…” – bà Tô Thanh Phương chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Kết – Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam, tăng giá điện là DN phải tăng thêm chi phí sản xuất. Dự tính mỗi tháng, SKD sẽ phải bỏ thêm 4 – 5 triệu đồng cho chi phí tiền điện. Trong bối cảnh lạm phát ở một số quốc gia, nhu cầu tiêu thụ giảm như hiện nay thì DN buộc phải tiết giảm chi phí để chia sẻ với ngành điện.

Tiết kiệm điện, tối ưu hóa chi phí

Sau 4 năm được Chính phủ, bộ, ngành nỗ lực kìm giữ, thì việc giá điện tăng 3% so với giá bán lẻ bình quân hiện hành kể từ đầu tháng 5/2023, được cộng đồng DN chia sẻ và cho rằng sẽ có biện pháp thích ứng.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, giá điện tăng 3% với ngành may thì không ảnh hưởng gì lớn, nhưng ảnh hưởng tương đối nhiều đến ngành kéo sợi. DN ý thức rằng việc tăng giá điện là điều không tránh khỏi do áp lực đầu vào của sản xuất điện, tuy nhiên việc tăng ở thời điểm này cũng là thách thức, khó khăn cho DN do chịu cạnh tranh lớn về mặt thị trường, đơn hàng thiếu hụt.

Để thích ứng với việc tăng chi phí sản xuất, trong đó có giá điện, bản thân ngành dệt may đã đặt ra các giải pháp cho mục tiêu phát triển, trong đó các DN đã sử dụng điện mặt trời (điện áp mái). Hiện nay, một số DN kéo sợi khu vực phía Nam trong mấy năm qua đã đầu tư điện áp mái để giảm bớt khó khăn về chi phí điện.

“Từ thách thức của tăng giá điện thì các DN của ngành dệt may cũng phải tính toán đến thắt chặt các khoản đầu tư vào chi phí để làm sao cân bằng được giá thành, đảm bảo cạnh tranh với các DN trong khu vực. Đặc biệt là tạo ra được sự phát triển ổn định, bền vững, hạn chế áp lực về giá làm mất khả năng cạnh tranh của DN trong thời gian tới. Cơ quan nhà nước cần tập trung vào việc phân tích, đánh giá tác động của việc tăng giá điện lần này, bởi lẽ có thể việc tăng giá điện chưa dừng lại. Để khi quyết định tăng giá điện làm sao hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến hoạt động của DN…”- ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Chia sẻ về giải pháp thích ứng với tăng giá điện, bà Nguyễn Thùy Dương – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG cho biết, từ 4/5 bắt đầu giá điện tăng 3%, mức tăng này được cho là khá thấp trong bối cảnh hiện nay, nhưng để đánh giá tác động của tăng giá điện ảnh hưởng như thế nào tới kinh doanh và giá thành sản xuất thì cần phải có thời gian sau 1-2 tháng mới có thể đánh giá được mức tiêu hao năng lượng.

Cùng với đó, mức tiêu thụ năng lượng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nắng nóng kéo dài hay chỉ từng đợt, nếu nắng nóng nhiều, kéo dài thì mức tiêu thụ năng lượng càng tăng cao, mà tính luỹ tiến theo giá bậc thang thì mức chi trả tiền điện cũng nhiều lên.

Tuy nhiên, với siêu thị trong bối cảnh chung hiện nay đều mong muốn kích cầu tiêu dùng, thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá thành sản phẩm, nên với BRG nói riêng và các hệ thống siêu thị nói chung đều có mong muốn đưa giá sản phẩm thiết yếu tốt nhất, bình ổn đến cho khách hàng. Hệ thống siêu thị BRG sẽ cố gắng tiết kiệm năng lượng, tiết giảm và thay thế trang thiết bị để tiết kiệm điện và vận hành được tiết kiệm, hiệu quả nhất. Nỗ lực đảm bảo mặt bằng giá hàng hóa, không tăng giá bất hợp lý do tăng giá điện ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Huy động nguồn cung đảm bảo không để thiếu điện

Ông Trần Việt Hòa – Cục trưởng Điều tiết điện lực, Bộ Công thương cho biết, việc đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế luôn là vấn đề được dư luận quan tâm.

Năm nay các hồ thủy điện trong tình trạng thiếu nước, nhiều hồ đã về đến mực nước chết, gây khó khăn trong vận hành và cung ứng điện. Bộ Công thương đã có nhiều giải pháp để đảm bảo việc cung ứng điện, cũng như đảm bảo cung cấp than, khí cho sản xuất điện.

Bộ Công thương đã có cuộc họp với các tập đoàn, tổng công ty để đảm bảo cung ứng cho phát điện. Theo đó, Bộ yêu cầu EVN, TKV, Tổng công ty Đông Bắc cùng các đơn vị phải huy động mọi nguồn lực để đảm bảo việc phát điện, khẩn trương khắc phục các sự cố của các tổ máy để sớm đưa vào vận hành trở lại. Trong đó, các dự án năng lượng tái tạo cũng được huy động để giảm căng thẳng về cung ứng điện.

Nhằm giải tỏa áp lực thiếu nguồn điện, ngày 18/5, Bộ Công thương đã thống nhất giá tạm thời của 8 nhà máy điện gió, điện mặt trời. Như vậy, các nhà máy này khi đã có giá tạm thời, khi được huy động sẽ được phát điện lên lưới. Tuy nhiên, đây chỉ là một biện pháp tạm thời trong việc đảm bảo cung ứng điện.

Theo báo cáo của EVN, tính đến ngày 10/5, đã có 31/85 dự án nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất 1.956,8MW đã nộp hồ sơ đàm phán giá điện, trong đó 15 dự án hoàn thiện hồ sơ và đang tiến hành thỏa thuận giá điện với EVN.

    NHẬN TƯ VẤN LẮP ĐẶT ĐIỆN NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI