Đối với tỷ lệ huy động điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Chính phủ yêu cầu huy động 10% công suất tại miền Trung, miền Nam. Trong khi đó, tại miền Bắc loại hình điện này có thể huy động lên đến 20% công suất.
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương làm rõ các cơ chế khuyến khích, huy động và ưu đãi điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, trong đó có chính sách huy động 20% điện dư thừa của điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu của miền Bắc, cao hơn gấp đôi tỷ lệ chung của cả nước (Ảnh: EVN)
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo Chính phủ về cơ chế mua bán điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu và chủ trương thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi.
Đối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu dư thừa được kêu gọi huy động phát nối lưới, Chính phủ khẳng định: Bộ Công Thương cần quy định rõ cơ chế, chính sách phát triển, ưu đãi và rõ ràng về giá thu mua, huy động.
Riêng tỷ lệ huy động điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Chính phủ yêu cầu tại miền Trung, miền Nam huy động 10%. Tuy nhiên, tại miền Bắc loại hình điện này có thể huy động lên đến 20%.
“Cụ thể, lượng điện sản xuất được tiêu thụ 90% tổng công suất và được bán lên lưới điện quốc gia không quá 10% tổng công suất. Riêng, khu vực miền Bắc được bán lên lưới lượng điện dư là 20% tổng công suất. Các khu vực khác như miền Trung và miền Nam được bán lên lưới lượng điện dư là 10% tổng công suất”, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương quán triệt tinh thần.
Theo Chính phủ, việc xác định cơ cấu công suất điện áp mái mặt trời khu vực phía Bắc cần ưu tiên cao hơn các khu vực khác, do tỷ lệ khu vực phía Bắc huy động còn thấp, phụ tải cao có thể huy động cao hơn.
Chính phủ khẳng định, các quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là rất quan trọng.
Chính sách này vừa huy động nguồn lực xã hội phát triển năng lượng tái tạo, đáp ứng mong mỏi của người dân, doanh nghiệp, góp phần giảm áp lực đầu tư phát triển nguồn điện cho nhà nước.
Bên cạnh đó, phát triển điện năng lượng tái tạo có hệ thống lưu trữ là cơ sở quan trọng để sớm điều chỉnh cơ cấu các nguồn điện, giảm nguồn điện sử dụng năng lượng hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính theo các cam kết tại COP26.
Do đó, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định này, bảo đảm chất lượng, tính khả thi, phù hợp khi Nghị định được ban hành đi vào thực tiễn, hiệu quả. “Tuyệt đối không để sơ hở, trục lợi chính sách, tạo cơ chế xin-cho”, văn bản của Văn phòng Chính phủ nêu.
Về giá điện, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu thêm giải pháp lượng điện dư phát lên lưới mà EVN mua.
“EVN có thể xem xét được bù trừ khi người dân mua điện của EVN hoặc giá điện dư thì EVN có thể mua theo giá thị trường tại thời điểm giá điện thấp nhất được chào trên thị trường điện”, Văn bản của Văn phòng Chính phủ nêu.
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, làm việc ngay với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan rà soát các thủ tục hành chính theo pháp luật liên quan, nghiên cứu cắt giảm tối đa các quy trình, thủ tục đối với các công trình hiện hữu; Tham chiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn khi lắp đặt các công trình điện, trong đó có điện mặt trời mái nhà.
Bộ Công Thương cũng cần nghiên cứu bổ sung thêm các chính sách ưu đãi đối với trường hợp đầu tư điện mặt trời mái nhà để sử dụng có lắp đặt hệ thống lưu trữ điện năng thì có tính chất như nguồn điện nền nên không giới hạn, có thể mua 100% công suất điện dư và có phương án hỗ trợ về giá, thuế, lãi suất, chi phí lắp đặt…
Về chính sách đối với thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương phối hợp chặt chẽ với PVN, EVN thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, trong đó có đối tượng, phạm vi là các dự án thí điểm cụ thể, rõ ràng.
Bộ Công Thương được yêu cầu, rà soát kỹ các quy định pháp luật hiện hành (Luật Điện lực, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đo đạc và bản đồ, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Biển Việt Nam…), các vướng mắc đối với Đề án nêu trên, trên cơ sở đó tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Manfusi Solar – Dẫn đầu giải pháp đầu tư điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam
Facebook: https://www.facebook.com/manfusisolar
Văn phòng đại diện: 148 Võ Chí Công, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội
Hotline/Zalo: 0976 368 148